Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất sản phẩm cơ khí của Việt Nam trong tháng 10/2022 giảm 8,4% so với tháng 9/2022 song tăng 9,8% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Các sản phẩm cơ khí đạt sản lượng cao trong 10 tháng năm 2022 là: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều đạt 326,6 triệu chiếc; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W đạt 313,2 triệu chiếc; máy khâu loại dùng cho gia đình đạt 3,9 triệu cái; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu đạt 1,46 triệu cái… được sản xuất chủ yếu tại các tỉnh thành: Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP. Hà Nội…
Trong đó, sản lượng một số sản phẩm cơ khí tăng so với cùng kỳ năm 2021 là: Máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA tăng 45,2%; máy biến đổi điện quay tăng 10,37%; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu tăng 35,12%; động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều tăng 4,61%; máy khâu loại khác, trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình tăng 3,03%. Ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng giảm là: Máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA giảm 59,18%; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W giảm 11,41%; máy khâu loại dùng cho gia đình giảm 25,7%.
Về tình hình sản xuất tại các địa phương, tại tỉnh Đồng Nai, sản phẩm được sản xuất nhiều nhất trong 10 tháng năm 2022 là động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều đạt 324,46 triệu chiếc, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp đến là: Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W đạt 3,34 triệu chiếc, tăng 18,95% so với cùng kỳ; máy khâu loại dùng cho gia đình đạt gần 1,68 triệu cái, tăng 4,66%; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu đạt 14,79 nghìn cái, giảm 18,46%; máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA đạt 7,57 nghìn chiếc, giảm khá mạnh 28,77% so với cùng kỳ năm 2021.
TP. Đà Nẵng có sản lượng sản phẩm động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W cao nhất với 243,35 triệu chiếc, giảm 8,27% so với 10 tháng năm 2021; chiếm tỷ trọng 77,7% tổng sản lượng sản phẩm này của cả nước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W là sản phẩm có sản lượng cao nhất đạt 66,5 triệu cái, giảm 19,38% so với cùng kỳ năm 2021 (chiếm tỷ trọng 21,24% tổng sản lượng sản phẩm này của cả nước); tiếp đến là máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu (chiếm tỷ trọng 35,33% tổng sản lượng sản phẩm này của cả nước) đạt 514,07 nghìn cái, giảm 2,95%...
Linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Mặt khác, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ô tô như Vinfast, Thành Công, Thaco…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Sản phẩm cơ khí được ứng dụng rộng rãi và thiết thực trong cuộc sống, bởi vậy mà việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm là điều tuyệt đối cần được coi trọng. Những sản phẩm gia công chất lượng, đẹp đẽ, chính xác sẽ nâng cao uy tín của một doanh nghiệp. Sự tiến bộ không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp Việt Nam để cố gắng chinh phục các khách hàng khó tính bên ngoài nước là điều đáng hoan nghênh.
(Nguồn: Tạp chí cơ khí Việt Nam)